Cuốn sách là sự hội tụ ba điểm mạnh của ông - sự nhạy cảm của một người làm kinh tế, sự sắc sảo của một người làm báo và sự sâu sắc của một người làm khoa học. Ông nhìn nhận và lý giải sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng một kết cấu hợp lý và văn phong giản dị nhưng sâu lắng với những chú thích nghiêm túc nên hấp dẫn người đọc.
Một trong những thành công của Trung Quốc trong quá trình cải cách và mở cửa chính là đã “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị và tiến cùng thời đại”, mạnh dạn cho xây dựng các đặc khu kinh tế - đồng thời biến nó thành những “phòng thí nghiệm” cải cách và “cửa sổ” nhìn ra thế giới. Nhờ vậy, Thâm Quyến - một trong bốn đặc khu được thành lập đầu những năm 1980 - sau 30 năm đã từ một “làng chài nghèo” bên cạnh lãnh thổ Hong Kong tráng lệ, trở thành một đô thị “công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa, thông tin hóa và quốc tế hóa”. Mặc dù dân số thường trú chỉ khoảng 9 triệu người nhưng Thâm Quyến đã tạo ra GDP tương đương với Mông Cổ (ở châu Á) hay Bồ Đào Nha (ở châu Âu), GDP bình quân đầu người đạt hơn 26.000 USD, vượt qua lãnh thổ Đài Loan, còn sức cạnh tranh quốc gia vượt qua lãnh thổ Hong Kong, đứng đầu Trung Quốc. Bí quyết làm nên sự thần kỳ của Thâm Quyến rất đơn giản, là người dân Thâm Quyến hay đến Thâm Quyến lập nghiệp đều có khát vọng làm giàu, còn chính quyền Thâm Quyến được trao quyền tự chủ trong tháo gỡ các cơ chế để người dân làm giàu chính đáng.
Phải nói rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã, đang thu hút và sẽ tiếp tục là điều quan tâm chung của các nhà khoa học quốc tế, khu vực và Việt Nam. Bởi lẽ, mới chỉ gần 40 năm trước, quốc gia này vẫn còn là một nước nghèo - sau khi trải qua 10 năm “động loạn” của cách mạng văn hóa, kinh tế - xã hội hỗn loạn, đất nước như đứng bên bờ sụp đổ, GDP bình quân đầu người chỉ vẻn vẹn 178 USD. Thế nhưng, từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (cuối năm 1978) - một hội nghị mà vai trò của nó như các nhà khoa học nước này đánh giá là sánh ngang với hội nghị thành lập Đảng, vì nó đã cho ra đời một bản nghị quyết mang tính lịch sử là chuyển trọng tâm công tác của toàn Đảng từ trước đó “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm”, xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, mở đầu cho một cuộc cách mạng mới chưa từng có tiền lệ và không được đề cập đến trong các trước tác của chủ nghĩa Mác - Lênin là “cải cách và mở cửa”.