Hệ thống pháp luật theo quan niệm truyền thống là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.
Trong thời gian gần đây, khoa học pháp lý đã chứng kiến một số nghiên cứu mở ra những hướng mới, giúp chúng ta có hướng tiếp cận mới về hệ thống pháp luật, góp phần mang lại những cải cách quan trọng, đáng ghi nhận trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật ở Việt Nam. Trong đó, quan niệm (hay cách tiếp cận) về hệ thống pháp luật đã có những thay đổi lớn, hệ thống pháp luật được tiếp cận trong trạng thái động, hoạt động xây dựng thể chế và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật được đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ trong một chỉnh thể thống nhất đã được thể hiện nhất quán trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Cuốn sách Bàn về hệ thống pháp luật do TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, làm chủ biên, cung cấp thêm một số góc nhìn đa chiều các quan điểm về hệ thống pháp luật hiện nay. Cuốn sách gồm một số bài viết của các nhà khoa học, trong đó tập trung đi sâu phân tích các vấn đề như bản chất của pháp luật, hệ thống pháp luật; quan điểm truyền thống về hệ thống pháp luật và những tác động của quan điểm đó đối với quá trình xây dựng và thực thi pháp luật Việt Nam hiện nay; đào tạo nguồn nhân lực xây dựng, thi hành pháp luật...