Cuộc sống của con người từ thuở khai thiên lập địa đến nay luôn luôn là một trường tranh đấu khắc nghiệt. Hầu hết người ta đã vận dụng tất cả những mưu trí sẵn có để chiếm lấy phần thắng hay tranh đoạt lợi ích cho riêng mình. Trải qua hơn 5000 năm, người Trung Quốc vốn coi trọng tính trí mưu đã đề ra không biết bao nhiêu là kế sách kỳ tuyệt, nhưng cuối cùng vẫn phải công nhận rằng trong những mưu trí ấy thì kế sách "Nhẫn" đem lại nhiều thành công nhất. Do vậy dần dần "Nhẫn" được các hiền nhân Trung Quốc đưa lên hàng tinh hoa của đạo lý chứ không chỉ đơn thuần là trí mưu nữa.
Với quan điểm nhân sinh có số phận định sẵn các hiền nhân Trung Quốc còn đưa ra lý luận là đứng trước định mệnh ấy thì không ai có thể cưỡng chống lại được nếu như chưa biết "Nhẫn". Định mệnh có thời gian thành công huy hoàng, có thời điểm thất bại đau khổ, nếu biết "nhẫn nhịn", chờ đúng thời cơ thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công ít nhiều, thậm chí lật ngược được thế cờ. Theo dòng thời gian và rút tỉa các kinh nghiệm trong lịch sử, "Nhẫn" đã trở thành trí tuệ cao nhất của con người và được mọi thế hệ học hỏi, lấy đó làm phương châm cho cuộc sống vốn đã quá nhiều đa đoan phức tạp. Nắm bắt được yếu quyết của chữ "Nhẫn", không một trở ngại nào không thể vượt qua, không một gian nguy nào không thể hóa giải.