Pháp luật cạnh tranh, theo cách hiểu phổ biến nhất bao gồm tất cả các quy định của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi kinh doanh của doanh nghiệp và cấu trúc thị trường. Pháp luật cạnh tranh bao gồm hai mảng chính. Mảng thứ nhất là việc ban hành và thực thi một tập hợp các quy định có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, bao gồm các quy định về gia nhập thị trường và đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia thị trường, tự do hóa về thương mại cũng như các quy định hiệu quả điều chỉnh các hoạt động kinh doanh ngành,… Mảng thứ hai là bao gồm các chế định pháp lý được ban hành để kiểm soát/ngăn chặn các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi phản cạnh tranh và các can thiệp quá mức của Nhà nước vào việc điều tiết thị trường.
Trong thời gian qua, cùng với chính sách đổi mới, mọi thành phần kinh tế được khuyến khích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia kinh doanh trên thị trường. Từ đó, cạnh tranh ngày càng trở nên mạnh mẽ trong mỗi ngành, mỗi lịch vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên cùng với sự gia tăng mức độ cạnh tranh, đã xuất hiện những hành vi cản trở, hạn chế cạnh tranh, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh của đất nước.
Pháp luật cạnh tranh là môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành được giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế - Luật, Học viện Tài chính. Do vậy, bài giảng gốc môn học Pháp luật cạnh tranh dành cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế - Luật và các chuyên ngành khác tại Học viện Tài chính được biên soạn nhằm cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về pháp luật cạnh tranh, là tài liệu giảng dạy và học tập tại Học viện Tài chính.