Trong nửa đầu thế kỷ XX của lịch sử Việt Nam hiện đại, Cụ Hồ là "người của những bước ngoặt", là nhân tài xuất chúng, nhìn xa thấy rộng giữa những rối ren, giải quyết các vấn đề một cách sáng suốt, thúc đẩy lịch sử tiến mạnh tới thành công của cách mạng và kháng chiến. Đã có khá nhiều ký giả, chính khách, văn nhân nước ngoài và trong nước đồng thanh ca ngợi trí nhớ lạ lùng của Cụ Hồ. Nhưng lạ lùng hơn là ai đã vinh dự được Cụ Hồ tiếp chuyện, dẫu chỉ một lần thôi và cho dù sự kiện ấy đã diễn ra đủ lâu, nhưng đều nhớ diện mạo, phong thái ung dung, cử chỉ lịch thiệp của Cụ, chưa kể tư tưởng, chính kiến của Người.
Hãy nghe người nước mình, người nước ngoài nói, viết về chân dung, nhân cách tư tưởng Hồ Chí Minh qua "Bài ca Hồ Chí Minh" qua những trang viết của tác giả người dân tộc Mường, sau ấn phẩm "Bác Hồ chúc Tết" (Nxb QĐND 1991), đã dành khá nhiều năm tháng sưu tầm, dõi theo dấu chân Cụ Hồ đi khắp năm châu, bốn biển; bắt đầu từ việc Cụ Hồ dạy học lịch sử nước nhà như thế nào, tìm hiểu Cụ Hồ có bao nhiêu tên gọi, bút danh qua những tác phẩm của Người, cho đến khi tên gọi Hồ Chí Minh xuất hiện, gắn liền với vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành biểu tượng của phong trào chống chiến tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.