Sách dày 80 trang gồm 39 câu chuyện nhỏ: “Một hạt ngô lúc này cũng quý”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Thời gian quý báu lắm”, “Có thể cho người nghèo những thứ ấy”, “Câu chuyện về bát cháo trứng”, “Chuyện ở Côn Minh”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Những vết mạng trên áo Bác”, “sử dụng phong bì”, “Tấm danh thiếp của Bác Hồ”,…
Thông qua mỗi câu chuyện, quyển sách dạy các bạn trẻ bài học về tính tiết kiệm. Tiết kiệm là đức tính cần có của mỗi con người và là một trong những nội dung luôn được Bác rất mực coi trọng. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế con nhiều khó khăn của nước ta. Bác cũng là một tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Bác thường căn dặn mọi người thực hành tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương hình thức,…
Tuy nhiên, theo Bác, tiết kiệm cũng không có nghĩa là việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm cốt lõi là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của nhân dân.
Những mẩu chuyện kể về đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác thực ra rất đỗi bình thường. Nhưng những điều bình thường ấy không hề làm cho Bác nhỏ bé đi mà trái lại, điều đó khiến Bác trở nên vĩ đại.