Qua những dòng ghi chép riêng tư, hoặc dành cho nhiều nhất một người, ta có thể nhận thấy hai gương mặt rõ nét nhất: Nhân vật nữ, bà đỡ với biệt danh Mắt Dại và nhân vật nam, nhiếp ảnh gia chiến tranh phục vụ lực lượng SS: Johannes Angelhurst.
Họ yêu nhau, nhưng tình yêu đó chưa bao giờ bằng lặng, thậm chí vốn đã ẩn chứa sự đối nghịch: Người này mang sự sống đến, còn người kia đào “bể bơi” cho thần Chết. Cũng nhờ thế, việc điểm xuyết khoảng lặng mà hai người trải qua bên nhau lại mang sức nặng hơn cả. Dẫu vậy, đọc “Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế” đâu chỉ là miên theo cảm xúc, theo những gập ghềnh tâm lý của nhân vật, ở đó, độc giả phải là người lật giở, sắp xếp các trang ghi chép hòng nắm được mạch truyện; hàng loạt mảnh ghép đã bị xáo lên lệch khỏi thời gian tuyến tính, đẩy nhân vật vào sâu hơn lớp mành quá khứ đầy bí ẩn: Thân phận Mắt Dại ở đâu? Liệu có thực Johannes Angelhurst là gã đao phủ cho Quốc xã?
Như nhiều sáng tác khác của Katja Kettu, “Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế” được nhận định mang màu sắc của thuyết thần bí – với ánh sáng vĩnh cửu từ thượng đế, và còn một thứ ánh sáng cứu rỗi khác: Tình yêu. Nhân vật Mắt Dại dẫu luôn tin sùng thượng đế thì cũng đã thừa nhận rằng: “Tôi là một bà đỡ không có học. Trong cái thế giới này tôi chỉ có một loại tình cảm đúng đắn, và đó là tình yêu”. Nhờ tình yêu, hay nói rộng hơn là tình người, mầm thiện không bị cái ác ngập ngụa của chiến tranh đè bẹp.
Với “Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế”, tác giả đã dùng chẳng những thổ ngữ vùng cực Bắc và cực Tây Bắc Phần Lan (thổ ngữ đất Láp) mà còn trùng điệp phương ngữ của nhóm dân Koltta, các thổ ngữ Phần Lan được dùng tại Bắc Thụy Điển và Bắc Na Uy, tiếng Đức, tiếng Nga như là cách biểu hiện không khí hỗn tạp, dữ dội trong thế chiến, cũng như cảnh quan hoang sơ, khắc nghiệt. Katja Kettu không ngại nhào trộn ngôn ngữ của nhiều nhóm dân bản địa, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng... để kiến tạo một thế giới “đa sắc, đa chiều”; để lột tả tính cách nhân vật, nhất là Mắt Dại – người đàn bà thất học sống theo bản năng mãnh liệt, thậm chí hoang dại như con thú cái.
“Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế” ra đời dựa trên bối cảnh “cũ” (thế chiến thứ hai) song vẫn nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn chương đặc sắc, với “mê cung” ngôn từ và những cao trào xếp lớp khiến người đọc cảm thấy mỗi phút lật giở trang sách đều đáng giá.