ASEAN là một điều kỳ diệu sống động và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Tại sao? Không một tổ chức khu vực nào khác đã làm được nhiều như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc cải thiện điều kiện sống của một bộ phận đáng kể nhân loại. Hơn 600 triệu người sống trong khu vực có bước tiến đáng kể trong 50 năm qua, kể từ khi Hiệp hội được thành lập.
ASEAN đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một khu vực từng gặp nhiều vấn đề, tạo ra sự hài hòa giữa các nền văn minh ở khu vực vốn đa dạng nhất hành tinh, mang lại niềm hy vọng cho người dân sống tại khu vực. ASEAN có thể cũng đóng vai trò như một chất xúc tác quan trọng cho sự trỗi dậy một cách hòa bình của Trung Quốc. ASEAN vì thế xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình hơn bất kỳ cá nhân và tổ chức nào hiện nay.
Điều đó có nghĩa ASEAN là một tổ chức khu vực hoàn hảo? Hoàn toàn không. Nó không hề hoàn hảo chút nào. Đó là lý do tại sao thế giới không hiểu nổi câu chuyện ASEAN. Có rất nhiều sai sót đã được ghi nhận, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông của Âu Mỹ. Bất kỳ độc giả nào nghi ngờ điều này có thể thực hiện một cuộc tìm kiếm trực tuyến với từ khóa ASEAN. Người đó có thể sẽ bị nhấn chìm bởi hàng loạt những bài viết nói về rất nhiều điểm không hoàn hảo của ASEAN.
Những câu chuyện này không hề sai. ASEAN không phát triển theo một đường thẳng mà thường chuyển động giống như một con cua: bước hai bước lên phía trước, một bước lùi xuống phía sau và một bước ngang sang bên cạnh. Quan sát trong một giai đoạn ngắn, quá trình này rất khó nhận ra.
Nhưng kỳ diệu thay, khi quan sát trong một giai đoạn dài hơn, phân tích sự tiến triển theo từng thập kỷ, quá trình phát triển của ASEAN rất dễ nhận biết. Mặc dù có nhiều khuyết điểm, ASEAN vẫn tiến về phía trước. Cuốn sách này hy vọng sẽ giải thích được bí ẩn lớn về việc điều đó đã diễn ra như thế nào.
Tuy vậy, người ta không thể hiểu nổi câu chuyện của Đông Nam Á nếu chỉ nhìn lại 50 năm qua. Những gốc rễ văn hóa sâu xa hơn đã ảnh hưởng đến đặc tính của ASEAN. Đó là lý do tại sao cuốn sách này lại bắt đầu như thế.
Đầu tiên, cuốn sách sẽ giải thích căn nguyên về sự khác biệt kỳ lạ của Đông Nam Á. Trong số rất nhiều lý giải về lịch sử của khu vực thì có một lý giải không thể phủ nhận rằng: Đông Nam Á đã là giao lộ của thế giới trong suốt hơn 2.000 năm qua.
Sự đa đạng về văn hóa của Đông Nam Á chính là hệ quả của điều này. Ít nhất bốn làn sóng văn hóa đã đi qua Đông Nam Á: Ấn Độ, Trung Quốc, Hồi giáo và phương Tây. Người ta không thể hiểu đúng sự đa dạng của Đông Nam Á nếu không hiểu rõ những làn sóng này đã để lại những gợn sóng lịch sử, hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi của các xã hội Đông Nam Á ngày nay như thế nào, cung cấp nền tảng cho sự đa dạng và phong phú về văn hóa của khu vực ra sao.
Chương 2 giải thích hòa bình đã được kiến tạo nên như thế nào ở một khu vực không hứa hẹn của thế giới vào thời điểm không hứa hẹn nhất. Tuy nhiên, cũng có những cuộc tranh chấp, thậm chí những cuộc xung đột quân sự nhỏ (ví dụ giữa Campuchia và Thái Lan), nhưng một cuộc chiến kiểu như thế giới đã chứng kiến ở Trung Đông hay Balkan, châu Âu, không hề xảy ra ở Đông Nam Á.
Chương 3 nhấn mạnh rằng ASEAN vẫn cần sự ủng hộ và hợp tác của các cường quốc trên thế giới để kịch bản hòa bình này có thể tiếp diễn.
Nếu xu hướng địa chính trị thuận lợi đã giúp ASEAN xây dựng nên bản sắc của mình thì ASEAN ngày nay cũng phải tự chuẩn bị cho việc đón những cơn gió địa chính trị không mấy thuận lợi. Không có cường quốc nào là dễ chịu cả. Không lời cầu khẩn nào được đưa ra ở đây để kêu gọi bản năng từ bi. Thay vào đó, chương này phân tích những quyền lợi quốc gia riêng không giấu giếm của mỗi cường quốc.
Chương 4 nói về tình hình hiện tại của mười quốc gia Đông Nam Á thành viên của ASEAN với những phác thảo ngắn gọn, súc tích. Mỗi nước đều có một lịch sử phong phú và phức tạp, những nét phác thảo này không thể đánh giá đúng những đặc trưng phức tạp này. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng độc giả sẽ có được cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về các nước ASEAN, những thử thách hiện tại, tình hình địa chính trị và mối quan hệ của họ với tổ chức khu vực.
Chương 5 đánh giá ASEAN với tư cách một tổ chức khu vực hiện tại, bằng cách nhìn vào những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như những cơ hội và thách thức mà nó phải đối mặt (theo phương pháp phân tích quen thuộc SWOT). Giống như một thực thể sống phức tạp, ASEAN cũng có thể chết, nếu các bên bỏ bê hoặc cùng ngoan cố. Những nhà lãnh đạo hiện tại của ASEAN đang gánh vác một trách nhiệm vô cùng to lớn.
Cuối cùng, kết luận sẽ nhìn vào những triển vọng tương lai của ASEAN. Nó cũng gợi ý một số bước mà ASEAN có thể thực hiện để củng cố sức mạnh của mình. Thật may là không bước nào trong số này quá khó khăn. Một số bước thậm chí có thể hoàn thành xuất sắc.