Với cách kể chuyện tài hoa, Jeffrey Archer giống như đang chơi trò mèo vờn chuột với độc giả. Siêu phẩm của ông, vì thế đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu New York.
“... Sau khi ra khỏi trung tâm thành phố, anh dừng lại để nhìn bản đồ. Anh quyết định vẫy một chiếc tắc xi, bởi vì anh sợ là sẽ khó kiếm tắc xi ở khu Berceni, khi anh cần phải cơ động. Một chiếc tắc xi cũng sẽ giúp anh cắt đuôi dễ dàng hơn, bởi vì nếu có một chiếc tắc xi nào đó đuổi theo anh, nó phải có màu vàng, và sẽ không thể lẫn vào đâu được một khi ra đến vùng ngoại ô. Anh xem bản đồ một lần nữa, rẽ trái ở góc phố tiếp theo, không ngoảnh nhìn lại, thậm chí cũng chẳng liếc nhìn vào các cửa hiệu hai bên đường. Nếu cô ta là một kẻ chuyên nghiệp, việc anh ngoảnh nhìn lại phía sau sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, bởi vì nó báo cho cô ta biết rằng anh đã đề phòng. Anh vẫy một chiếc tắc xi...”
Nhân vật chính trong Ấn tượng sai lầm là Anna Petrescu, một ngôi sao điền kinh đồng thời là tiến sĩ về lĩnh vực lịch sử tranh nghệ thuật của Đại học Pennsylvania. Cô bắt đầu làm việc ở Sotheby’s và sau đó làm cho một ngân hàng, nơi có vị giám đốc Bryce Fenston cũng là một chuyên gia sưu tầm tranh.
Fenston Finance, một công ty tài chính chấp nhận tài sản thế chấp bằng các tác phẩm nghệ thuật khi cho vay những khoản tiền lớn. Đây là sự khác biệt của ông chủ ngân hàng, bởi hiếm khi các ngân hàng chấp nhận “nghệ thuật” làm tài sản thế chấp. Fenston đề ra chính sách đó, không phải bằng tình yêu đích thực dành cho nghệ thuật, mà vì hắn ta luôn bị ám ảnh bởi những bộ sưu tập của người khác. Và lần này “khách hàng tiềm năng” là phu nhân người Anh, Victoria Wentworth, chủ của bộ sưu tập gồm rất nhiều những kiệt tác của các họa sĩ danh tiếng, trong đó có bức Chân dung người cụt tai của Van Gogh. Tiến sĩ Anna Petrescu, nhân viên của công ty được cử đến lâu đài Wentworth để thẩm định giá trị tài sản của phu nhân Victoria Wentworth. Cô hiểu rõ giá trị của gia sản khổng lồ này và háo hức báo cáo với Fenston về việc bán bức Chân dung người cụt tai quý giá để giúp khách hàng của mình. Thật không may, ý tưởng “hảo tâm” của cô lại trái ngược hoàn toàn với kế hoạch của Fenston. Và rồi cái chết đột ngột của Victoria Wentworth, sự hỗn loạn của New York trong ngày khủng bổ ngày 11 tháng 9 đã kéo Anna vào một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Có tên trong danh sách những người mất tích sau vụ khủng bố, Anna rời khỏi Mỹ và bắt đầu cuộc hành trình tìm chủ nhân mới cho bức tranh quý giá.
Chuyến phiêu lưu qua Toronto, London, Bucharest, rồi Hồng Kông, Tokyo, lúc nào cũng cận kề nguy hiểm khi luôn có sự theo sát của Olga Krantz, nữ sát thủ chuyên nghiệp, đam mê giết người bằng nhát cứa cổ họng “rất ngọt”, và anh chàng đặc vụ FBI Jack, người theo dõi cô từ lâu. Anna và bức họa danh tiếng kia trở thành “mục tiêu” săn đuổi tới cùng của các âm mưu đen tối. Hành trình tìm câu trả lời cho những nghi vấn trong đầu Anna đã dần hé lộ rất nhiều sự thật về: ông chủ giàu có Fenston cùng những kẻ đứng sau hắn ta, gia đình quý tộc Wentworth, thương gia người Nhật thích sưu tầm những kiệt tác nghệ thuật và ngay cả người bạn thân thiết nhất của cô, Tina, cô thư ký của Fenston…