3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần thực sự là một bước đi tiếp trong sáng tạo, một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đặng Thân, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống đang diễn ra với nhiều mặt, đa chiều, phức tạp, nhiều tầng nấc đan xen, chằng chịt, với tốc độ chóng mặt, mà nhiều nhà văn đã chững lại, thậm chí rất khó khăn để tiếp tục sáng tạo…
3.3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần gồm 60 chương, độ dày 666 trang, đã mang đến một bức tranh liên hoàn, đan xen nhiều màu sắc. Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử – văn hóa – truyền thống – hiện đại – nhân loại…) chứa đựng nhiều câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới…).
3.3.3.9-nhung-manh-hon-tran-mua-sach-hay
Có thể nói công phu thể hiện 3.3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần là đáng trân trọng, cần ghi nhận. Tác giả đã nỗ lực “vừa thiết kế vừa thi công”, do đó mang được không ít hơi hướng, chất liệu cuộc sống của thời kỳ hội nhập, ta như thấy “nhà mới làm xong còn tanh mùi vôi vữa”. Đặc biệt có những trang tưởng chừng tác giả “bỏ sáng tác” mà “lao vào nghiên cứu”, nhưng chính lại là những trang viết hết sức bất ngờ, những trang văn đẹp, đầy sức thuyết phục. Có vậy, chúng ta mới có những bức tiểu họa lấp lánh về Quận chúa Lê Chân, nữ anh hùng của Hải Phòng; của nhà soạn nhạc vĩ đại Mahler; của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… và kể cả những chân dung đầy tính giễu nhại dành cho kẻ “sáng tạo“ ra những cách giết người ghê lạnh Hitler, những bản năng thú tính của thằng Bớp, thói biển lận của Dương Đại Nghiệp…
Gập cuốn sách 3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần lại, hình ảnh những người phụ nữ lại hiện ra: những Tâm Chân, Mộng Hường, mẹ của Schditt… Họ có thể khác nhau về xuất thân, về tri thức, văn hóa, về giống nòi, nhưng họ thật đời, họ chính là những người đang từng ngày lo lắng, gánh vác cho những người khác, cho cuộc đời này. Cuộc đời họ càng “không xuôi chèo mát mái” thì càng để lại trong chúng ta nhiều dư cảm, trở trăn. Lời văn xuất thần của tác giả: sống làm sao để những người như họ được vui cười, được thực sự thụ hưởng cuộc sống này. Đây phải chăng là ý nghĩa Nhân văn lớn lao của tác phẩm.
– Đà Linh