Các nhà quân sự phương Tây gọi Tây Nguyên là “Mái nhà của Đông Dương” và khẳng định: “Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”. Do đó, người Mỹ luôn muốn làm chủ địa bàn này. Những trận đánh đẫm máu ở Plei Me, Ia Đrăng, Chư tan Kra... minh chứng cho điều đó. Cục diện tranh chấp tiếp tục kéo dài suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và Đăk Tô - Tân Cảnh chính là nơi nóng nhất bởi đây là điểm tiền tiêu trong hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên của Việt Nam cộng hòa.
Người Mỹ đã đổ không ít tiền của và trí lực vào đây để biến nó thành một cứ điểm bất khả xâm phạm. Đến mức lực lượng đồn trú ở đây huênh hoang: “Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Đăk Tô - Tân Cảnh”. Sông Pô Kô thì không bao giờ chảy ngược cả nhưng cứ điểm bất khả xâm phạm Đăk Tô - Tân Cảnh đã sụp đổ chỉ trong ngày 24-4-1972. Ngày hôm đó, chính nơi đây diễn ra trận đấu tăng bi tráng “1 chọi 10” đi vào lịch sử.