Từ xưa đến nay, đã có biết bao thế hệ người Việt lớn lên cùng cổ tích. Những câu chuyện diệu kì, thấm đẫm tâm hồn dân tộc ấy cứ tự nhiên đi vào tuổi thơ, lớn lên cùng năm tháng và trở thành hành trang trong suốt cuộc đời.
Điểm đặc biệt của tập truyện này là ngoài những câu chuyện gần gũi, thân quen như Bánh chưng, bánh dày; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Tấm Cám hay Cây khế, 100 truyện cổ tích Việt Nam còn giới thiệu đến các em những truyện cổ đặc sắc của các dân tộc ở mọi miền đất nước, từ các dân tộc vùng núi phía Bắc như Tày, Nùng, Dao, Thái cho đến các dân tộc Ba-na, Ê-đê, Gia-rai ở rừng núi Tây Nguyên, từ các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như Khơ-me cho đến các dân tộc vùng Nam Trung Bộ như Chăm, Cor. Mỗi câu chuyện lại đưa các em đến một vùng đất mới, phiêu lưu cùng các nhân vật mới. Lúc là chàng dũng sĩ K’Chơi của dân tộc Cơ-ho dùng sức người thắng voi rừng, rắn dữ, khi là cô gái xinh đẹp, nhân hậu người Xơ-đăng vì cứu mẹ nên chấp nhận làm vợ của trăn. Lúc là cậu bé người Tày Cẩu Khây tài ba, giỏi võ giúp dân làng diệt trừ yêu tinh, khi là cô bé chăn vịt người Nùng thông minh, dũng cảm ra trận dẹp giặc. Rồi cùng tìm hiểu tại sao gà có mào đỏ còn mỏ vịt lại bẹp; tại sao loài cá thác lác mình lại dẹp như thế; rồi nguồn gốc của mưa, gió, mặt trăng, mặt trời… Và các em cũng được làm quen với những phong tục hay, những tập quán lạ cùng những tính cách, nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào mình ở những vùng đất khác nhau. Qua những điều ấy, những quan niệm đầu tiên về cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu, lẽ sống và sự công bằng sẽ tự nhiên lớn lên, bồi đắp và định hình.
Bên cạnh nội dung đặc sắc, tập truyện còn có phần minh họa đẹp, giàu chất dân gian nằm xen kẽ ở một số truyện. Đây là điểm hiếm gặp so với các tập truyện cổ tích Việt Nam ra đời trước kia và là một nỗ lực của những người làm sách tại Đông A. Những bức tranh ấy sẽ giúp các em thêm phần hứng thú và gần gũi với thế giới cổ tích cũng như dễ dàng tiếp nhận nội dung câu chuyện hơn.