Ngày 9/1/1950, hàng ngàn sinh viên học sinh các trường học tại Sài Gòn tập hợp cùng nhau trong cuộc biểu tình lớn chưa từng có. Người học sinh 19 tuổi Trần Văn Ơn đã tổ chức xuống đường, đòi lại công lí cho các bạn học bị thực dân Pháp bắt giữ. Bị chính quyền thực dân đàn áp dã man, dưới trận mưa dùi cui, ma trắc, súng đạn của cảnh sát, cuộc biểu tình biến thành cuộc tắm máu. Trần Văn Ơn đã anh dũng ngã xuống khi lấy thân mình đỡ đòn, che chở cho các bạn, các em. Sự hi sinh của anh đã đoàn kết giới học sinh sinh viên thành một khối vững chắc hơn bao giờ hết. Trần Văn Ơn trở thành biểu tượng, một ngọn lửa thắp sáng cho phong trào đấu tranh của tầng lớp học sinh sinh viên và cả nhân dân miền Nam.Với truyện kí Trần Văn Ơn, nhà văn Đoàn Giỏi khắc họa hai chân dung trong một tác phẩm: Chân dung giản dị và cảm động về Trần Văn Ơn, người anh hùng đã can trường chiến đấu cho lí tưởng cao đẹp, và chân dung sống động, chân thực về thời đại anh đã sống. Một giai đoạn oằn mình dưới ách cai trị của thực dân và bù nhìn, nhưng ánh sáng của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc bất khuất, kiên cường vẫn chiếu rọi cho đến hôm nay.
Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta.
(Nhà văn Anh Đức)