Qua ngòi bút sắc sảo của nhà văn Hoàng Ưng, nhân vật Thẩm Thăng Y dần xuất hiện như một trang anh hùng tinh thông kiếm thuật không kém các nhân vật võ hiệp Lệnh Hồ Xung, và có đầu óc nhanh nhạy không thua Vi Tiểu Bảo, có cái hào sảng của Kiều Phong, văn chương nho nhã của Đoàn Dự. Thẩm Thăng Y không những có tấm lòng thông cảm với con người như nhân vật Tiểu Lý phi đao mà còn có phong cách phiêu nhiên của Sở Lưu Hương. Tiểu Lý phi đao dùng đao, Sở Lưu Hương không dùng võ khí, nhưng Thẩm Thăng Y dùng kiếm, mà còn dùng kiếm bằng hai tay.
Trong bộ sách, Thẩm Thăng Y mang vai trò như một "thanh tra cảnh sát điều tra" các vụ án tày đình của giới võ lâm, đây là sự sáng tạo căn bản làm nên bộ tiểu thuyết võ hiệp này. Sáng tạo này tái hiện những mâu thuẫn thường nảy sinh từ hiện thực xã hội, là những mâu thuẫn của đời sống xã hội được "võ hiệp hóa" và lồng vào kết cấu mạch truyện "gây án - điều tra - phá án". Nhiều nhân vật phản diện trong Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt vì thế có thân phận khá hiện đại, có khi là một "bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ" giỏi thuật dịch dung như Cẩm Cung Thành trong tập Ma đao, dùng tài năng toan cướp ngôi vua; có khi là một ông trùm xã hội đen như Kim Long đường chủ trong tập Đồ long, người đứng đầu một tổ chức tội ác chuyên phạm pháp.
Trong không gian phá án bí hiểm, Thẩm Thăng Y trở thành một nhân vật có chiều sâu và góc cạnh riêng, giống anh hùng mà không hẳn là anh hùng, giống lãng tử mà không hẳn là lãng tử, không có thù hận để báo phục, không có ham muốn để bon chen. Nhân vật này chống lại tội ác nhưng có thể tha thứ cho kẻ ác, thương yêu mọi người nhưng biết cách cảnh giác với con người.