Năng lượng được xem là máu của nền kinh tế. Chúng ta đã và đang dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch để phát triển, trong khi năng lượng này có giới hạn và phát thải khí nhà kính (Green House Emission - GHE) gây nên việc nóng lên toàn cầu (Global Warming - GW) và biến đổi khí hậu (Climate Change - CC). Để giảm thiểu việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, cả thế giới đang đi theo một chiến lược chung đó là: 4R + P: Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Sử dụng lại, Recycle - Tái chế, Renewable (Energy) - Tái tạo (Năng lượng) + Policy (Government) - Chính sách (Nhà nước). Ngoài Reduce, Reuse, Recycle + Policy, Renewable (Energy) - Năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời ngày càng được xem là có triển vọng lớn nhất có thể thay thế năng lượng hóa thạch do giá bán ngày càng cạnh tranh và hiệu suất ngày càng được nâng cao.
Việt Nam là quốc gia theo khảo sát của tổ chức GIZ (Đức), Ngân hàng Thế giới (WB),... có tiềm năng tự nhiên rất lớn về năng lượng mặt trời vì có số giờ nắng trong năm trên 2.500h/năm, đặc biệt là từ vĩ tuyến 17 xuống tới mũi Cà Mau, với tổng năng lượng bức xạ mặt trời theo phương ngang (GHI) trung bình từ 4,8 đến 5,5 KWh/m2/day. Việt Nam đã sớm có ứng dụng khai thác năng lượng mặt trời dưới dạng nhiệt thông qua thiết bị máy nước nóng năng lượng mặt trời. Ứng dụng về pin quang điện (PV) hiện vẫn còn rất hạn chế do giá thành phát điện từ hệ thống PV vẫn còn cao hơn giá điện lưới.
Để thúc đẩy việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2016. Theo đó, mục tiêu tới năm 2030, sẽ có công suất phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo là 12GW, tương đương khoảng 13,2% công suất phát và 5% điện năng phát của hệ thống điện tại thời điểm 2030. Mục tiêu này đã có những tín hiệu khả quan khi chính phủ vừa ra quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”. Theo đó, EVN sẽ mua điện từ các hệ thống PV với giá 9.35 $cent/KWh thông qua hệ thống đo đếm Net Metering. Với quyết định này, chắc chắn sẽ tạo ra một “làn sóng” mới cho toàn xã hội đầu tư vào các hệ thống PV với quy mô lớn cũng như quy mô hộ gia đình.
Cuốn sách này sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản nhất về năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng, các ứng dụng khai thác năng lượng mặt trời, cung cấp, giải pháp thiết kế cho các hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng ban ngày dùng ánh sáng mặt trời, và hệ thống pin quang điện ở quy mô vừa và nhỏ; tính toán hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư; cuối cùng là hướng dẫn lắp đặt các hệ thống trên. Cuốn sách được xây dựng là giáo trình, tài liệu tham khảo cho sinh viên chuyên ngành Điện, kỹ sư thiết kế, kỹ thuật viên lắp đặt. Đặc biệt trong cuốn sách này, trong phần phụ lục, cung cấp bảng tra năng lượng bức xạ mặt trời phục vụ cho việc thiết kế PV cho 52 tỉnh/thành phố và 06 huyện đảo trải khắp Việt Nam.