10 truyện ngắn giả cổ trong tập “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long” của Trần Chiến thể hiện sở trường của nhà văn, sự hiểu biết sâu sắc và thấm đẫm nền tảng văn hóa Bắc Bộ. Là con trai út của nhà sử học Trần Huy Liệu, Trần Chiến kế thừa sở học của một lĩnh vực phức tạp, diễn giải dưới góc nhìn của một người làm báo lâu năm và viết bằng văn chương của một tác giả dày nghề. Mảnh đất châu thổ Bắc Bộ - nơi những cư dân người Việt khai phá, quần tụ, và phát triển thành một không gian văn hóa đậm đặc những triết lý riêng – là bối cảnh cho những truyện ngắn giả cổ trong tập sách.
Người đọc sẽ được gặp những câu chuyện cổ được giải mã theo lối mới, những góc nhìn độc đáo làm bật lên sự phi lý của những hủ tục lề thói trong xã hội phong kiến, sự vô nghĩa bạo tàn của chiến tranh và quyền lực. Giọng văn tinh tế, trau chuốt, dành nhiều tình cảm cho các nhân vật phụ nữ chịu thiệt thòi, những hình tượng đã đóng khung trong kho tàng văn chương nghệ thuật, nay được đặt trong bối cảnh khác, nhân bản hơn: cô Thị Mầu trót bị dâng cho đức vua để rồi một đời sống trong khao khát và nổi loạn, nàng Châu Long hay Thúy Vân lâm cảnh chồng chung, mỗi người một cách không chịu chấp nhận sự an bài của một hệ thống luân lý áp đặt của thần quyền, thế quyền và nam quyền.
Những số phận kẻ sĩ, những bậc phụ mẫu dân bị Trần Chiến đem ra soi dưới một cái nhìn giễu nhại, hóm hỉnh, sâu cay nhưng cũng là những số phận đáng thương. Họ là kết quả của một xã hội trì đọng, một nền văn minh dựa vào cây lúa nước, những toan tính quẩn quanh và dục vọng kìm nén. Những ngôi làng đầy tinh thần cát cứ nhưng cũng sẵn sàng thần phục sự cai trị từ bên trên, truyền đời theo đuổi một chút hư danh. Một xã hội đầy những đầu dây mối nhợ mà mỗi số phận là một cái nút buộc không sao gỡ ra nổi. Những câu chuyện được viết bằng một giọng ăm ắp vốn từ dân dã, khi cần lại nhại giọng cổ sử, khiến cho câu văn lấp lánh vẻ phồn thực dân gian đương đại, đem lại những nỗi bùi ngùi thấm đượm mà cũng dễ bật cười vì sự trào lộng sâu cay.