Trong "Cả Một Trời Thương", từng bà má hiện lên qua giọng kể Nam bộ rặt, ngọt lành như nước mưa của Trúc Thiên. Đôi ba đoạn đẫm buồn như người giấu nước mắt vào trong. Đôi ba hình ảnh gấp lại vẫn còn vấn vương. Đôi ha lời nói hành xử, làm người đọc len lén lấy tay quệt nước mắt, sợ ai đó tình cờ thấy lại mắng mình đa cảm. Mà không đa cảm sao được, bởi người tạo ra nhân vật, ra câu chuyện, "viết xong nhiều hôm mệt rã rượi. Chuyện xong, lại nghĩ về nhân vật, còn tự thương tự buồn" kia mà, huống chi mình.
Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý
"Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...", viết về sự "bao la" đó rất khó bởi ngôn ngữ vốn có giới hạn. Trúc Thiên đã chọn viết về cái "khó" ngay ở tập truyện đầu tay Cả Một Trời Thương. Thiệt gan! Ai cũng có một người mẹ và ai cũng biết câu ca dao "Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay trái rụng, con rày mồ côi". Biết vậy nên người con phải đối xử với mẹ ra sao, khi người mẹ đã ở tuổi "Má khi nhớ khi lẫn... Má cũng có khi quên luôn tụi bây, biết lúc đó tụi bây có nhớ má không?". Câu hỏi đó má Bốn không chỉ hỏi các con của má, mà hỏi tất cả những người con trong đó có chúng ta. Mỗi người con có hoàn cảnh khác nhau, sẽ tự trả lời câu hỏi đó...
Tôi đã thấy bóng dáng má tôi trong tập truyện của Trúc Thiên. Tôi cũng thấy bóng dáng tôi trong những nhân vật người con của anh. Xin cảm ơn tác giả."
Nhà văn Đoàn Thạch Biền